"Vua" cây cảnh
Mười hai tháng trong năm, hơn 9 tháng ông không có ở nhà. Những chuyến đi xa ấy là cuộc tìm kiếm những cái đẹp từ các loài thảo mộc. Hơn 10 năm rong
ruổi, ông được dân chơi cây gọi là “vua cây cảnh”. Ông là Phan Phước Hà, nghệ nhân - Giám đốc doanh nghiệp chuyên kinh doanh cây cảnh, đá nghệ thuật ở khối phố 2, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên).
Đam mê
Những ngày sau tết, vườn cây cảnh nhà ông vẫn tấp nập người ra vô, rộn ràng những chuyến xe đến và đi. Không mặc cả nhiều vì nhìn những cây cảnh của ông, ngay lập tức người ta đã có ấn tượng. Anh Trần Hoàng, một người chuyên buôn cây cảnh tại Sài Gòn đứng như trơ trước gốc sanh với những chiếc rễ khổng lồ bám đá và quyết định trả 500 triệu đồng. “Tôi đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu người mua lại hài lòng như ở vườn của ông Hà. Từ lộc vừng, chùm rụm, mai đến những cây sanh… Cây nào cùng có thế thần thật không chê vào đâu. Chỉ có niềm đam mê đến tột cùng mới tạo ra được dáng cây tuyệt vời như vậy”.
Niềm đam mê cây cảnh của ông Hà bắt đầu từ những ngày khổ cực, đi ép đậu thuê tại Phú Yên. Ông Hà tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã rất mê cây cảnh, nhất là những gốc mai vàng cổ thụ nên ngoài những giờ lao động vất vả, tôi thường mượn xe đạp về các vùng ven để tìm mai. Vùng đất Phú Yên có rất nhiều cây mai dáng đẹp, gốc to, có cây cả 50 năm tuổi nhưng không ai biết giá trị của nó. Lúc đó, tôi chợt nghĩ đến chuyện trở về quê sắm dụng cụ đi tìm cây cảnh mua về trồng bán lại”. Cách đây 10 năm, lần đầu tiên ông mua gốc mai với giá 1 triệu, đem về chăm sóc, sau đó đã được một người chơi mai ở Đà Nẵng vào trả 30 triệu. “Lúc đầu tôi tưởng mình nghe lầm là người ta trả 3 triệu. Nhưng đó là sự thật, bán được cây mai với số tiền 30 triệu đó tôi đã đầu tư thêm dụng cụ đào và vận chuyển cây. Cứ nghe ở đâu có cây đẹp là tôi tức tốc lên đường” - ông Hà nói. Và sau 10 năm kể từ ngày bán được cây mai đầu tiên, đến nay số cây trong vườn của ông đã lên đến con số hàng trăm. Những gốc vừng, mai cổ thụ cứ lần lượt về nằm ở vườn ông rồi lần lượt ra đi. Nhưng sự ra đi đó đã mang một dáng vẻ khác, một thế thần khác khiến nhiều người phải mê hoặc.
Nuôi dưỡng “lộc” rừng
“Mỗi gốc cây là một niềm kiêu hãnh của tôi. Tôi không dám mơ đến 2 chữ thương hiệu cây của Phan Phước Hà ở Quảng Nam mà chỉ mong nó đem lại cho người chủ mới sự hài lòng, niềm tự hào khi sở hữu một tác phẩm đẹp!” - ông Hà chia sẻ.
Những chuyến đi xa, những gốc cây cổ thụ mỗi năm đem lại cho ông “vua cây cảnh” một khoản tiền không nhỏ, có thể tính bằng tiền tỷ. Thế nhưng tâm sự của ông lại khiến nhiều người suy nghĩ, ông Hà nói: “Từ lúc bước chân vào nghề, tôi luôn tự đặt ra cho mình một nguyên tắc là không bao giờ đào cây mà chính cái cây đó góp phần bảo vệ sự sống cho con người. Như cây lộc vừng, một thời người ta đào tràn lan ở rừng, ở suối phá hủy kết cấu đất… góp phần vào nguyên nhân lụt lội. Cây cũng như con người, cũng có hồn, cũng biết đau”.
Vườn cây cảnh của ông Hà trong mấy năm trở lại đây, ngoài những gốc vừng thế, những gốc mai cổ thụ, bắt đầu xuất hiện những gốc sanh cổ. Theo ông Hà đây được xem là xu hướng chơi cây mới của dân cây cảnh. Một cây sanh được gọi là cổ khi nó hội tụ được yếu tố: gốc cổ thụ, dáng đẹp, rễ to và bám sâu vào đá. Chỉ trong dịp tết vừa rồi, ông bán được 2 cây sanh giá 800 triệu. Bạn hàng của ông chủ yếu là dân chơi cây và đầu nậu ở miền Nam, họ biết đến cái tên Phan Phước Hà qua những lần ông chở cây đi triển lãm ở Festival hoa Đà Lạt, Festival Huế và một số hội hoa xuân có quy mô trong khu vực.
Để có được những gốc cây tuyệt thế như vậy, ngoài công sức sưu tầm và chăm sóc, ông còn có riêng một đội ngũ công nhân hơn 15 người chuyên đào, vận chuyển và chăm sóc cây cho ông. Công nhân của ông, lương bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người, đầy đủ chế độ bảo hiểm… Dẫn tôi đến một gốc mai sù sì, người bình thường nhìn vào chẳng có gì nổi bật… nhưng với ông đây là cái vốn quý nhất trong cuộc đời đi tìm cây cảnh của ông. “Tôi gọi đây là “cụ” mai vì nó đã hơn 100 năm tuổi rồi. “Cụ” nằm trong vườn một gia đình quý tộc của Huế ngày xưa. Khi tôi tìm đến nơi thì cội mai này nằm chơ vơ giữa một khoảng sân đầy cỏ dại, trong nhà chỉ có một cụ già hơn 80 tuổi. Tôi trả gốc mai này cho cụ già là 300 triệu mà cụ sững sờ. Khi xe chở gốc mai đi, bà cụ rơm rớm nước mắt bảo tôi: Chú về chăm sóc nó cho tôi. Tôi cũng gần về với đất rồi! Cảm ơn chú! Đó là lý do tôi quý cây mai này hơn tất cả” - ông Hà tâm sự.
QUANG MINH
http://duyxuyen.com.vn/vi/news/Van-Hoc-Nghe-thuat/Vua-cay-canh-614/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét